Mầm non – lứa tuổi “vàng” cho phát triển trí tuệ bị lãng quên
Trẻ dưới 5 tuổi – lứa tuổi được coi là thời kỳ “vàng”, cửa sổ của các cơ hội giáo dục khai mở tiềm năng, hiện nay chưa được quan tâm; khó khăn và thách thức mà ngành giáo dục mầm non (GDMN) đang đối mặt… Đó là những nội dung mà các đại biểu tập trung thảo luận trong hội thảo “Chính sách giáo dục mầm non” do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và Liên minh giáo dục cho mọi người Việt Nam phối hợp tổ chức, ngày 11-10, tại Hà Nội.
Trường thừa, trẻ vẫn “bơ vơ”
Trước thực tế đang gây nhiều bức xúc, nhất là ở các thành phố lớn, cơ sở mầm non không đáp ứng được nhu cầu đi học của trẻ, sĩ số học sinh một lớp đông trên mức quy định (trên 35 trẻ/lớp). Tại Hà Nội, hiện còn 6 phường thiếu trường mầm non công lập; mầm non thiếu hơn 2 triệu m2 đất để xây trường lớp… Với những chính sách ưu tiên phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, khiến tỷ lệ trẻ đến trường, nhất là dưới 3 tuổi, chỉ đạt 21,5%.
Phát biểu tại hội nghị, PGS. TS Lê Thị Ánh Tuyết, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non, Bộ GD và ĐT cho rằng: ba năm đầu đời của trẻ là cơ hội của cả cuộc đời. Hiện nay, chúng ta mới chỉ tập trung quan tâm tới lứa tuổi 5 tuổi mà quên đi những lứa tuổi khác. GDMN dù đã phát triển với quy mô số lượng không nhỏ song vẫn xảy ra nghịch cảnh nơi thừa, nơi thiếu, không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Thực trạng này hầu như bị thả nổi và chưa có giải pháp tháo gỡ.
Ngay ở các quận nội thành Hà Nội, quy hoạch xây dựng các khu dân cư đã không dành quỹ đất cho các cơ sở GDMN hoặc có nhưng đã thực hiện xã hội hóa bằng cách giao cho tư nhân quản lý. Trong nhiều trường hợp, họ xây dựng những trường mầm non “chất lượng cao”, thậm chí có yếu tố nước ngoài… và chỉ những gia đình có thu nhập cao mới “dám” đưa con vào học. Như vậy, ngay trong một địa bàn, trường thì thừa chỗ học trong khi con em gia đình nghèo vẫn thiếu nơi học và các trường công lập luôn trong tình trạng quá tải.
Cùng chung quan điểm, TS Phạm Thị Mai Chi, Viện nghiên cứu Phát triển trẻ thông minh sớm cho rằng: vào lúc trẻ được ba tuổi, bộ não của trẻ hoạt động gấp hai lần so với não của người trưởng thành; lúc tám tuổi trí lực không phát triển rõ rệt nữa, mức độ giảm xuống ở thời kỳ vị thành niên, sau đó chỉ có thể phát triển kỹ năng và tri thức. Tiềm năng của một đứa trẻ được xác định từ giây phút đầu tiên của cuộc sống đến những năm tháng chăm sóc ở gia đình và cơ sở giáo dục. Một nửa sự phát triển quan trọng của não bộ ở một đứa trẻ được hoàn thành vào thời điểm nó bắt đầu học mẫu giáo; các mạch thần kinh nếu không được kích thích trước khi học mẫu giáo sẽ không bao giờ có được những gì họ có thể có được… Những kết luận này đã được chứng minh qua các nghiên cứu khoa học và ở các nước phát triển, họ đã chú trọng phát triển tố chất cho trẻ trước 3 tuổi.
Nhưng thực tế Việt Nam, lứa tuổi trẻ dưới 2 tuổi rất ít cơ sở giáo dục tiếp nhận chăm sóc. Kết quả là, đa số trẻ ở lứa tuổi này lại sống trong môi trường giao tiếp và chế độ giáo dục từ ông bà hoặc người giúp việc. Như vậy, giai đoạn “vàng” của một đứa trẻ đã bị lãng phí.
Nhiều chính sách không kịp thời, đồng bộ
Theo nhận định của của Hội Bảo vệ quyền trẻ em, nhu cầu gửi trẻ dưới 2 tuổi ở các nhà trẻ đang là nỗi bức xúc lớn. Cơ sở trông giữ trẻ rất hạn chế nên buộc họ phải gửi con ở các trường tư thục, nhóm giữ trẻ tự phát, không đảm bảo chuyên môn và an toàn, nhiều nguy cơ bất ổn luôn rình rập. Giáo viên mầm non thiếu về chất lượng và số lượng (cả nước còn thiếu 4.626 cán bộ quản lý và 22.811 giáo viên đứng lớp). Tại TP Hồ Chí Minh, giáo viên khu vực ngoài công lập vẫn còn thiếu, phải sử dụng hơn 1.500 bảo mẫu để thay thế giáo viên trong các cơ sở mầm non.
Điều kiện chăm sóc trẻ có sự chênh lệch giữa các vùng, miền. Tiêu chuẩn ăn hàng ngày của trẻ ở Hà Nội tương đối cao, từ 35.000 đồng đến 40.000 đồng/ngày, trong khi ở những vùng kinh tế chậm phát triển, thiết bị đồ chơi nghèo nàn, thiếu nước sạch cho trẻ và bữa ăn trưa bán trú cho trẻ chỉ khoảng 5.000 đồng đến 6.000 đồng/ngày – PGS. TS Lê Thị Ánh Tuyết cho biết thêm.
Ông Nguyễn Thế Tiến, Chánh văn phòng Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng: chúng ta hiện nay có nhiều chủ trương và những cam kết chính trị mạnh mẽ; những chính sách cũng có nhiều nhưng không kịp thời và chưa đồng bộ. Cần có những chính sách cụ thể và gắn với người học. Trẻ không tự đi học được, do đó, chính sách và luật phải bắt đầu từ phụ huynh. Buộc công dân phải thực hiện quyền của trẻ em.
Có nhiều vùng, dù đã đưa ra nhiều chính sách để lôi kéo người dân tới trường nhưng họ tới chỉ để cho có người tới trường chứ không có nhu cầu học bởi lý lẽ “mù mắt mới chết, mù chữ không sợ chết đói và đã có Nhà nước lo”. Do đó, chính sách tới người dân không chỉ dừng lại ở việc kéo học sinh tới trường mà còn là làm sao để họ nhận thức được việc học.
Các chính sách hiện còn chung chung với những hộ nhà giàu, nhà nghèo; lương giáo viên, đầu tư đào tạo cho giáo viên cấp mầm non đang rất khó khăn và giáo viên mầm non rất ít khi được tôn vinh (dù chỉ là những động viên về tinh thần).
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đã đưa ra những khó khăn, bất cập trong GDMN hiện nay và đề xuất: Nhà nước nên ban hành chính sách và thực thi chế độ cụ thể nhằm khuyến khích xã hội hóa phù hợp với nhu cầu phát triển GDMN từng khu vực; tăng cường vai trò quản lý Nhà nước với các cơ sở GDMN (bao gồm mức học phí, chế độ lương, chất lượng giáo dục); có chế độ và chế tài đủ mạnh để thực hiện đãi ngộ hợp lý đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế, đặc biệt ở khu vực nông thôn; tăng cường mức kinh phí dành riêng cho trẻ lứa tuổi nhà trẻ để khuyến khích các trường công lập nhận trẻ dưới 2 tuổi; quy hoạch xây dựng thành phố, khu dân cư, khu công nghiệp có xây dựng mầm non đi kèm…